Khái niệm thiết kế cảnh quan xuất hiện tại Việt Nam chưa lâu nhưng nhu cầu thiết kế cảnh quan tại các khu đô thị, khu dân cư đang có xu hướng gia tăng. Các nhà đầu tư bắt đầu dần nhìn thấy tầm quan trọng của cảnh quan xung quanh các dự án và xác định đây là vũ khí marketing chiến lược. Tuy nhiên, không ít người vẫn nhầm lẫn thiết kế cảnh quan với một vài khái niệm khác.
Thiết kế cảnh quan là gì?
Nói đơn giản thiết kế cảnh quan là thiết kế, hoàn thiện nói chung cho những không gian mở bên ngoài như các địa điểm vui chơi, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng hoặc thậm chí là thiết kế cảnh quan cho chính sân vườn nhà mình.
Đó có thể là phối hợp vị trí, chức năng, vật liệu,... cho một công trình nào đó cấp quốc gia, tầm vi mô và vĩ mô. Một thiết kế tốt sẽ mang lại một cảnh quan đẹp, tiện dụng nhưng vẫn giữ lại nét tự nhiên và trên hết là sự chuyên nghiệp, sáng tạo.
Nguồn gốc của thiết kế cảnh quan
Theo quan điểm của ASLA (American Society Of Landscape Architects), nguồn gốc của chuyên ngành này bắt đầu từ việc phát triển không gian bên ngoài các ngôi nhà từ thời Trung cổ. Tiếp đó là những thiết kế vườn tại Pháp thế kỉ XVII, XVIII.
Thiết kế cảnh quan từng tồn tại ở Việt Nam từ thời kỳ phong kiến, bắt đầu với thiết kế vườn tược trong các tẩm cung. Các thiết kế hiện nay tại Việt Nam thường là sự kết hợp giữa thiết kế xưa cùng với tư duy thiết kế đương đại. Sự kết hợp này đem lại những tác phẩm hài hòa, đẹp mắt.
Những nhầm lẫn khi nhắc đến thiết kế cảnh quan
Thiết kế cảnh quan nghĩa là trồng cây xanh?
Không ít người vẫn suy nghĩ rất đơn giản rằng: Cảnh quan có nghĩa là trồng cây xanh, trồng càng nhiều càng tốt. Khi xung quanh đều là tường bê tông, càng nhiều mảng xanh càng thu hút khách hàng.
Thực tế, cảnh quan bao gồm nhiều yếu tố khác. Các kiến trúc sư cảnh quan không nhất thiết phải giới hạn trong thiết kế cây xanh hay trồng hoa mà có thể quy hoạch hệ thống hồ nước, cầu đi bộ, hệ thống đèn chiếu sáng, mặt lát…
Thiết kế cảnh quan nghĩa là làm vườn?
Đây là một trong những suy nghĩ sai lệch phổ biến khi nhắc đến thiết kế cảnh quan. Ở một quy mô rất nhỏ, hai khái niệm này có thể gần như đồng nghĩa nhưng quy mô của cảnh quan không dừng lại ở đó.
Thiết kế cảnh quan cần phối hợp nhiều lĩnh vực, kiến thức chuyên môn của nhiều ngành cây trồng, vật liệu, kiến trúc,... và hệ thống kỹ thuật điện, chiếu sáng, cấp thoát nước,...
Lý do bạn nên thiết kế cảnh quan
Giảm stress, mang lại sự thư giãn
Trồng hoa, cây xanh và nuôi chim để lắng nghe tiếng hót hay ngắm nhìn không gian xanh là một cách giảm stress cực kì hiệu quả khi bạn cảm thấy cạn kiệt năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trồng nhiều cây xanh đem lại không gian trong lành, giúp thư giãn tốt
Tạo ra các ion âm có lợi
Cơ thể con người rất cần các ion âm để đảm bảo sức khỏe bản thân. Cách phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay là con người tự hòa mình vào trong thiên nhiên, tự tạo nên những bầu không khí trong sạch và khỏe mạnh trong chính khu vườn của mình.
Cây xanh giúp cải thiện sức khỏe
Cải thiện giấc ngủ, tăng năng suất làm việc và học tập
Lựa chọn những mẫu cây có tác dụng trong việc cải thiện không gian sân vườn phù hợp và thân thiện sẽ tạo nguồn cảm hứng để bắt đầu một ngày học tập hay làm việc. Đặc biệt là đem lại cho gia chủ những giấc ngủ ngon hơn, sâu hơn.
Cây xanh còn giúp chúng ta cải thiện giấc ngủ
Các nguyên tắc cơ bản trong thiết kế cảnh quan
Thiết kế cảnh quan nói chung là công việc đòi hỏi sự sáng tạo, phá cách, việc rập khuôn theo những nguyên tắc nhất định nào đó là hoàn toàn sai lầm. Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên tắc nên áp dụng.
Tính thống nhất
Là sự lặp đi lặp lại một cách có trật tự, nhất quán và thống nhất các yếu tố như chủng loại, chiều cao, kích thước, kết cấu, màu sắc của cây hoặc các nhóm thực vật, đá hay vật dụng trang trí trong thiết kế cảnh quan sân vườn.
Áp dụng nguyên tắc này sẽ đem lại một phong cách rất riêng cho mỗi thiết kế, nhất là khi bạn muốn tạo ra không gian cảnh quan sân vườn theo một chủ đề nhất định. Chủ đề ở đây có thể theo một loại hình cảnh quan nào đó như cảnh quan rừng mưa nhiệt đới, cảnh quan miền quê nam bộ, cảnh quan ốc đảo sa mạc,…Tất cả được sắp xếp theo một thể thống nhất sẽ tạo ra một khu vườn không những đẹp mà còn có phong cách rất riêng.
Tính hợp lý
Kiến trúc cảnh quan được cho là hợp lý khi thiết kế phù hợp với địa phương cũng như lối sống văn hóa của người dân và phải phù hợp với những gì mà người thiết kế muốn truyền tải thông điệp. Nó được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các yếu tố của cảnh quan như chủng loại, kết cấu, kích thước, màu sắc của cây, đá, vật trang trí,…
Hay nói một cách dễ hiểu, cảnh quan phải tuân theo một chủ đề nhất định như cảnh quan vườn nhiệt đới, cảnh quan ốc đảo, cảnh quan miền quê Bắc bộ, Nam bộ,…
Tính cân bằng
Tính cân bằng trong thiết kế cảnh quan sân vườn bao gồm sự cân bằng tuyệt đối về mọi mặt và sự cân bằng về một khía cạnh nhất định nào đó. Có hai dạng cân bằng mà bạn có thể sử dụng:
Cân bằng đối xứng
Tất cả các thành phần trong thiết kế đều được chia đều. Mọi thành phần đều có một phiên bản đối xứng giống nhau hoàn toàn về hình dạng, kích thước, màu sắc,...
Nguyên lý này được sử dụng rất nhiều trong các thiết kế cảnh quan sân vườn thời kỳ phục hưng. Những khu vườn hiện nay thường đối xứng tuyệt đối cả về thành phần thiết kế và tổng thể hình học. Chỉ cần vẽ một đường tưởng tượng ngay giữa vườn, bạn sẽ thấy mỗi bên là một hình ảnh phản chiếu của bên còn lại.
Cân bằng không đối xứng
Cân bằng không đối xứng trong thiết kế cảnh quan sân vườn có thể hiểu là một dạng không cân bằng, trừu tượng hay tự do nhưng vẫn tạo ra một thể thống nhất và cân bằng thông qua sự lặp lại của một số yếu tố. Vì vậy, sẽ hơi khó khăn để nhận ra tính cân bằng không đối xứng trong một khu vườn nhưng đó chính là ưu điểm để thiết kế có vẻ tự nhiên và thoải mái hơn.
Trong thiết kế cảnh quan sân vườn Nhật Bản truyền thống, các tảng đá, cây cối và đường dẫn nhìn có vẻ như được sắp xếp một cách ngẫu nhiên nhưng thực sự không phải vậy bởi vị trí đặt của chúng đã được tính toán rất kĩ sao cho khi nhìn từ mọi vị trí trong vườn luôn đạt được trạng thái cân bằng.
Tính cân bằng và tiện lợi
Công trình khi được xây dựng sẽ có những nét riêng của nó nhưng có một điều đương nhiên đó là cảnh quan nào cũng cần phải được chăm sóc hằng ngày, hằng tháng, hằng năm từ những việc đơn giản như thu dọn, cắt tỉa và tưới nước cho cây,...
Vì thế khi thiết kế cảnh quan, người thiết kế cũng phải chú ý đến việc này để làm sao vừa cân bằng được với diện tích, cách phối cảnh hợp lý mà lại tiện lợi cho việc chăm sóc, trùng tu và sang sửa.
Màu sắc
Màu sắc sử dụng là việc quan trọng trong quá trình thiêt kế, tông màu thể hiện sự chuyên nghiệp cũng như tính thẩm mỹ, cân đối và hài hòa trong từng mẫu thiết kế.
Muốn việc này được toàn vẹn bạn nên tôn trọng nét đẹp tự nhiên là điều đầu tiên phải hướng tới, sau đó là phối màu theo nguyên tắc. Không nên lặp lại quá nhiều màu sắc hoặc lối thiết kế trong một không gian, như vậy sẽ gây ra sự nhàm chán.
Viết bình luận